Đã khi nào bạn nghĩ về hơi thở của mình? Một thứ liên hệ trực tiếp đến sự tồn tại, hiện hữu nhưng chẳng mấy ai để ý tới, tui đoán vậy. Hôm nay, Zen sẽ chia sẻ với các bạn những suy nghĩ của Zen về hơi thở, trong những giai đoạn khác nhau của đời người.
Hơi thở đứa trẻ mới sinh
Khi một đứa trẻ lọt lòng mẹ, được ẵm trên tay người hộ sinh, chúng thường được bà (hoặc cô ấy) phát một cái thật mạnh vào mông để chúng cất tiếng khóc chào đời. Nếu đứa trẻ nào khó sinh, bị vỡ nước ối sớm mà lại chưa được ra ngoài, chúng thường bị thiếu khí để thở, cơ thể tím tái, lạnh ngắt và thường là chưa thở, có khi bị sặc nước ối khiến lỗ mũi chưa được thông. Và trong tình huống ấy, những bà đỡ đẻ mát tay và có kinh nghiệm thường vỗ mạnh vào mông nó, cho tới khi nào đứa trẻ khóc ré lên, rồi nó mới hít thật sâu và chính thức được chung sống trong bầu không khí mới mà không cần qua mẹ chúng nữa.
Zen có một thằng em cậu, lúc nó mới ra đời, bị sinh thiếu tháng nên nhỏ như con thỏ con, lại bị sặc nước ối khá lâu nữa nên người nó tím ngắt, các bác sĩ bảo nó không thể sống nổi nên đã đưa ra một góc nhà của bệnh xá. Mợ Zen mệt nhưng cũng ý thức được điều ấy, đã khóc và mong họ cứu nó. Và thật may mắn, một ông bác sĩ già đã thương xót, tới bế nó lên, vỗ vào mông đen đét và tìm mọi cách hô hấp cho nó thở, và điều kì diệu đã đến với gia đình chúng tôi. Đứa em đầu tiên của cậu mợ đã được cứu sống, đã đến với đời một cách khó khăn và đáng nhớ như vậy. Sau này, mỗi khi được nghe kể lại về câu chuyện này, tui thường rơm rớm nước mắt, bởi nếu không có sự thương xót, tận tình trong cái phát mông ấy, không có hơi thở đầu tiên ấy thì đâu có cậu em vẫn thường cười nói, đi chơi và hút thuốc lào với tui. :D. Và cũng từ những lần ấy, tui ý thức được hơn về sự vất vả, nguy hiểm của người mẹ khi mang thai và sinh nở. Kì diệu và trân trọng biết bao đức hạnh nơi người mẹ!
Hơi thở đầu đời, hơi thở quan trọng và có ý nghĩa với đời người mà không phải ai cũng biết mình đã thở hơi đầu tiên như thế nào khi được thế giới chào đón. Và chúng ta hãy chúc mừng những đứa trẻ ra đời với một hơi thở khỏe mạnh.
Hơi thở dài của người có phiền não
Bạn hẳn đã từng nhìn thấy một người nào đó bên cạnh mình thở dài và tâm trạng của người đó dường như có vấn đề. Con người chúng ta, do nhiều yếu tố khác nhau của cuộc sống mà phải lo lắng, sợ hãi, buồn phiền, hoặc trong một tình thế khó xử, ‘tiến thoái lưỡng nan’. Khi ấy, chúng ta thường đánh thượt một cái như thói quen để cái cảm giác ấy trôi qua mau, hay hòng tìm một sự tỉnh táo hơn để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, Zen chắc chắn rằng đó không phải là một hơi thở bình thường, chưa nói là hơi thở của sự tỉnh thức. Để vượt qua tình hình xấu hoặc trạng thái không tốt ấy, chúng ta nên đứng ở một nơi nào đó thoáng đãng, không khí tươi mới, trong lành và hít thật sâu, thật chậm và thở ra cũng vậy. Rồi, bạn sẽ thấy thân thể nhẹ nhàng, đầu óc được thảnh thơi, có một cảm giác không gì vướng bận bao trùm cơ thể, thì khi ấy, sự tỉnh táo sẽ giúp bạn đưa ra gợi mở để giải quyết vấn đề. Hãy nhớ, cố gắng hít thở sâu, chậm và đều, bạn nhé! 😀
Hơi thở như đứng lại của người hạnh phúc hoặc sợ hãi tột độ
Có khi nào bạn thấy tim mình dường như ngừng đập, hơi thở cũng như đứng lại, nín lặng một hồi lâu vì niềm vui sướng, xúc động hoặc hạnh phúc bất ngờ? Ồ, Zen nghĩ là có, nhiều í chứ, :D. Ví dụ, bạn nhận được thông báo trúng tuyển vào trường đại học bạn mơ ước, bạn giành được học bổng du học toàn phần của trường đại học danh tiếng của nước ngoài, bạn nhận được lời cầu hôn hoặc tỏ tình của người mà bạn yêu đơn phương, bạn trở thành hoa hậu Việt Nam, đứa con đầu lòng của bạn ra đời… Tất cả niềm vui của sự hạnh phúc đều có thể khiến bạn vui sướng đến mức ngừng thở, trong những khoảnh khắc ấy và có lẽ bạn sẽ không bao giờ quên được.
Tuy vậy, Zen không nghĩ như thế là tốt cho cơ thể của bạn. Những hưng phấn của cảm xúc kích thích các tuyến nội tiết tiết ra các loại hoóc môn khác nhau, nó làm tăng nhiệt độ trong cơ thể, nhịp tim đập nhanh hơn, lưu lượng máu được đẩy đến các cơ quan một cách triệt để và khi ấy, rất cần oxy để đốt cháy, để đưa tới các cơ quan. Nhưng nếu chúng ta ngừng thở, hay nín thở, chúng ta sẽ khiến nhịp tim tăng nhanh hơn, lưu lượng máu tới các cơ quan cũng nhiều và dồn dập hơn nhưng vấn đề là thiếu oxy trong máu, bởi vậy sẽ khiến huyết áp bị tăng đột ngột, sẽ dễ dẫn đến đột quỵ, hoặc ít nhất là chóng mặt, khó thở và ngất sau đó. Vì thế, dù vui hoặc hạnh phúc tới mức nào, Zen cũng khuyên các bạn hãy mỉm cười, hít một hơi dài và sâu, rồi thở ra thật chậm để đón nhận tất cả các cung bậc cảm xúc và, tận hưởng nó. Còn khi bạn sợ hãi, tốt nhất là vừa thở sâu dài vừa ‘xi’ rồi tiện thể, … ‘tè’ một cái là hết sợ à, =)).
Hơi thở khó nhọc của người bị bệnh
Bạn đã khi nào phải nằm trong viện một thời gian dài? Nếu đã từng, hẳn bạn sẽ thấy nó khó chịu như thế nào. Ngay cả việc ngồi thẳng dậy, đi lại… khiến hơi thở cũng khó nhọc biết bao nhiêu. Ngoài ra, cái mùi của các loại thuốc, đặc biệt thuốc kháng sinh, ám ảnh bạn, chính xác là hơi thở của bạn. Khi ấy, bạn chỉ muốn được hít thở một không khí trong lành, được thở như bình thường. Nếu bạn bị các bệnh liên quan đến cơ quan hô hấp (như phổi, lao, xoang…), bạn càng thấm thía sự quan trọng và ý nghĩa của một hơi thở nguyên vẹn. Vì hơi thở liên quan đến sức khỏe, nên mong bạn trân quý từng nhịp hít vào, thở ra nơi đầu mũi, đặc biệt sau mỗi khi bạn rời viện.
Hơi thở hắt ra của người sắp chết
Những người có may mắn được chết trong sự trọn vẹn, nghĩa là ý thức được mình sắp… đi, chứ không phải là bất đắc kì tử một cách đột ngột. Nếu có dịp (Zen dùng từ có dịp bởi Zen chưa từng được ở bên người thân mình khi họ mất) được nắm tay người thân, nghe họ trăng trối lời cuối cùng rồi nhắm mắt ra đi thì sẽ biết và nhớ mãi khoảnh khắc họ hít thở một cách khó khăn, cũng có người giật giật, rồi thở hắt ra những cái cuối cùng, trong đó cái cuối còn chưa thở hết ra được. Và hơi thở hắt ra, hơi thở cuối cùng, chính là hơi thở kết thúc của vòng đời, của đời người: sinh ra-hít vào, chết đi-thở ra. Bởi thế, cứ mỗi hơi thở trôi qua, mỗi lần chúng ta thở ra, là chúng ta đang chết đi, đang tiến dần đến hơi thở cuối cùng. Bạn nào chiêm nghiệm được điều này, xin hãy chia sẻ với Zen. Và Zen cũng mong các bạn, hãy tiết kiệm từng hơi thở của mình, cho tới khi chết, :D.
Hơi thở chánh niệm, hơi thở có ý thức của người xuất gia
Khác với người bình thường, người đã xuất gia có hiểu biết về hơi thở, có thể những người cư sĩ tại gia cũng có hiểu biết ấy, nhưng họ thường xuyên được thực tập hơn. Và hơi thở của người xuất gia, dù là người mới, nhưng cũng là một hơi thở có ý thức. Họ tập luyện nhận biết hơi thở của mình trong từng hành động, việc làm, từ nhỏ đến lớn, như thiền hành, thọ trai, rửa bát-chén, trồng rau… Thậm chí, cả khi tiểu-đại tiện họ cũng phải ý thức được hơi thở ra vào của mình, để… đi một cách thuận tiện nhất, :D. Zen từng được nghe anh bạn trêu rằng nếu có hơi thở trong chánh niệm thì niềm vui sung sướng gì cũng chỉ như niềm vui của việc đại tiện thôi, ha ha. Hài hước như vậy nhưng kì thực, để làm việc gì một cách trôi chảy và ý thức được mình đang làm gì thì không có một yếu tố nào làm trung gian tốt hơn là hơi thở, nó sẽ giúp bạn lấy lại sự tỉnh táo khi biết cái gì đang ra vào nơi mình và mình đang làm gì.
Trên đây chỉ là những suy nghĩ của Zen về hơi thở, những cảm xúc sau khi đọc cuốn Kinh quán niệm hơi thở của Thầy Thích Nhất Hạnh. Bạn nào có chia sẻ, góp ý gì mong cứ… tự tiện. Zen chỉ nghĩ đơn giản, nếu ta vận dụng, luyện tập được ý thức về hơi thở trong từng hoạt động, sinh hoạt của cuộc sống hàng ngày thì ta sẽ luôn ý thức được việc mình làm, sẽ luôn ở trong sự tỉnh thức. Và Zen mong chúc các bạn sớm làm được điều ấy!
Zen
admin
Fanpage: https://www.facebook.com/debiettadangsong
Facebook: https://www.facebook.com/chapzen
Latest posts by admin (see all)
- Dập cơn gió lớn - 02/03/2018
- Cảm ngộ về hơi thở - 15/01/2018
- Tảng đá có nặng không? - 05/12/2017
Leave a Reply